“Trường Đại Học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ngành Công Nghệ Sinh Học”
Được thành lập từ tháng 6 năm 1991, đầu tiên được đặt tên là “Ban Kỹ thuật sinh học”. Năm 1993, Trường có quyết định đổi tên thành “Khoa Công nghệ sinh học”, là Trường đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Công nghệ sinh học.
Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, Khoa luôn cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng kịp yêu cầu của xã hội. Hiện nay, Khoa đang triển khai đào tạo bậc đại học Công nghệ Sinh học hệ đại trà, chất lượng cao, đào tạo từ xa với 3 chuyên ngành chính Công nghệ Sinh học Y dược, Công nghệ Sinh học Nông nghiệp – Môi trường, Công nghệ Thực phẩm. Bên cạnh đó, Khoa đã tổ chức đào tạo bậc Thạc sĩ Ngành Công nghệ Sinh học từ năm 2018.
Đội ngũ giảng viên Khoa Công Nghệ Sinh Học
Tầm nhìn:
Khoa Công Nghệ Sinh Học trở thành đơn vị uy tín trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng chuyên nghiệp cho xã hội và đội ngũ nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.
Sứ mạng:
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu chất lượng cao và nguồn nhân lực đa dạng của xã hội.
Thực hiện nghiên cứu học thuật và chuyển giao công nghệ với chất lượng chuyên nghiệp.
Phát triển các kỹ năng mềm giúp sinh viên có thái độ chuyên nghiệp, đạo đức nghệ nghiệp và học tập suốt đời.
Đội ngũ giảng viên:
Hiện nay Khoa CNSH có đội ngũ nhân sự gồm 23 Giảng viên cơ hữu (1 giáo sư – Tiến sĩ, 13 Tiến sĩ, 8 Thạc sĩ và 1 Cử Nhân), 9 Giảng viên bán cơ hữu (1 Phó giáo sư – Tiến sĩ, 8 Tiến sĩ) và 3 chuyên viên.
Các giảng viên thỉnh giảng, các chuyên gia đến từ các Trường Đại Học, Viện, Trung Tâm và Công Ty uy tín trong nước.
Nghiên cứu khoa học:
Khoa Công Nghệ Sinh Học có phong trào nghiên cứu khoa học mạnh: giảng viên của Khoa chủ trì thực hiện nhiều đề tài NCKH các cấp (Nafosted, Bộ GDĐT, Sở KHCN Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, …). Giảng viên công bố nhiều công trình trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế thuộc hệ thống ISI và Scopus.
Sinh viên liên tục đạt nhiều giải thưởng cao trong các giải cuộc thi NCKH như Eureka, SVNCKH được Bộ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tổ chức, … Đồng thời, sinh viên cũng công bố nhiều công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Hợp tác trong nước và quốc tế:
Nhằm nâng cao vị trí về học thuật trong đào tạo và NCKH, Khoa Công Nghệ Sinh Học đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 20 trường đại học, viện, trung tâm, nhà máy sản xuất uy tín hàng đầu trong lĩnh vực CNSH trong và ngoài nước như: Trường Đại Học Kasetsart (Thái Lan), Trung Tâm Kỹ thuật gene và Công nghệ sinh học Quốc Gia (BIOTEC) (Thái Lan), Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Viện cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Viện công nghệ sinh học nhiệt đới, Trung tâm công nghệ sinh học, … Đồng thời, khoa CNSH hợp tác trong việc tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu với nhiều đơn vị khác như: Trường NanYang (Singapore), Trường Đại học Anglia (UK), Trường Đại Học Kasetsart (Thái Lan), Trường Đại học Niigata (Nhật Bản), …
Chương trình internship giữa Khoa CNSH và các trường quốc tế (như Trường Đại Học Kasetsart (Thái Lan), …) tạo điều kiện cho sinh viên trao đổi học thuật, có cơ hội thực tập tốt, nâng cao kỹ năng chuyên môn, đặc biệt phát triển nâng cao kỹ năng ngoại ngữ.
Nhóm giảng viên – sinh viên trao đổi học tập tại Trường Đại Học Kasetsart (Thái Lan)
Định hướng và phát triển:
Trong kế hoạch phát triển Khoa CNSH, Trường Đại Học TP.HCM giai đoạn 2018-2023, Khoa CNSH khẳng định mục tiêu phát triển để trở thành một đơn vị có uy tín trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và đội ngũ nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, cơ bản có định hướng ứng dụng. Cụ thể:
– Nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đa dạng của xã hội.
– Thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ một cách chất lượng, hiệu quả, gắn liền với công tác đào tạo, hợp tác quốc tế.
– Đổi mới công tác sinh viên giúp sinh viên trải nghiệm tốt, phát triển kỹ năng, năng lực chuyên môn và phát triển cá nhân gắn bó truyền thống giữa các thế hệ sinh viên.